Chế dộ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng giúp cho F0 nhanh chóng bình phục. Ngược lại chế độ dinh dưỡng không đảm bảo sẽ tăng nguy cơ bệnh nặng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trường hợp người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Người mắc Covid-19 người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống do vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng.
Người nhiễm Covid đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng. Nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách, người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng, sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy và tăng chi phí điều trị.
Do yếu tố tinh thần và dấu hiệu của nhiễm Covid-19 thường mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, người bệnh cần ăn nhiều bữa trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, không ăn quá no có thể gây khó thở (dễ nhầm lẫn với diễn biến của bệnh).
Bệnh nhân Covid-19 cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất
ThS Lê Thị Ngọc Vân – trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 – cho biết bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) cần ăn uống đầy đủ, chứ không phải tập trung vào món nào và bỏ món nào. Theo bác sĩ Vân, bao gồm việc bệnh nhân Covid-19 cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản.
* Chất đạm: là nguyên liệu tạo các kháng thể giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật, vận chuyển các dưỡng chất. Chất đạm có trong các thực phẩm như thịt, cá, đậu, đỗ, sữa và các chế phẩm, trứng.
* Chất bột đường: cung cấp năng lượng cho tất cả các hoạt động của cơ thể, trong một số tế bào và mô như hồng cầu và não bộ, là nguồn cung cấp năng lượng duy nhất. Có thể tìm thấy trong các loại đậu và các loại rau củ có nhiều tinh bột như khoai tây, bắp, bánh mì…
* Chất béo: cung cấp năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K. Các loại dầu, mỡ, bơ, trong thành phần của thịt, sữa, trứng, các loại hạt có dầu.
* Vitamin và khoáng chất: nhóm chất này không sinh ra năng lượng, tuy nhiên lại có vai trò rất quan trọng. Một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao thể trạng, đặc biệt có thể dễ tìm mua trong mùa dịch.
* Vitamin C: hạn chế sự tiến triển của viêm phổi, hỗ trợ chức năng hô hấp. Vitamin C có nhiều trong rau quả, trái cây như: cam, chanh, ổi, đu đủ, bưởi…
* Vitamin D: hỗ trợ chức năng của hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn cung cấp trực tiếp từ ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày. Nếu nhà ở không có ánh nắng chiếu vào, người bệnh có thể bổ sung vitamin D qua các thực phẩm như cá, lươn, sữa, lòng đỏ trứng, các loại sữa, ngũ cốc…
* Kẽm: giúp điều hòa miễn dịch, điều hòa các phản ứng viêm. Các loại thực phẩm giàu kẽm như: thịt gia cầm, thịt bò, lòng đỏ trứng, các loại hạt đậu, vừng…
* Probiotic: giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Probiotic có từ phô mai, sữa chua.
Bên cạnh đó, bệnh nhân F0 điều trị tại nhà cũng cần lưu ý về chế độ ăn như: Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu.
– Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì khó tiêu hóa.
– Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn.
– Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa 2 cốc/ngày, đặc biệt là sữa năng lượng cao.
– Nếu ăn kém, kém tiêu hóa thì cần bổ sung thêm probiotic mỗi ngày 2 lần, đồng thời bổ sung viên đa vitamin – khoáng chất cho người lớn, hay các dạng siro/cốm đa vitamin – khoáng chất cho trẻ em giúp người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn, ăn ngon hơn, giúp cơ thể mau bình phục hơn.
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến cho hay người bệnh cần bổ sung nước thường xuyên, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe, với môi trường, ví dụ như chạy, nhảy dây, chống đẩy, tập thở,… thời gian khoảng 45-60 phút/ngày, 2 lần/ngày.
Đặc biệt, người mắc Covid-19 nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như:
– Mỡ động vật, phủ tạng động vật;
– Các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối…);
– Các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt, rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
HL (Nguoiduatin.vn)